Ad hominem (ngụy biện công kích cá nhân) là một dạng ngụy biện phổ biến trong tranh luận. Công kích cá nhân khi tranh luận cũng tương tự như việc “chơi xấu” và phạm lỗi trong bóng đá vậy, đều để lại sát thương không minh bạch.
Meaning of Ad hominem - Ngụy biện công kích cá nhân là gì?
Trong bài viết này, các bạn hãy cùng IELTS LangGo tìm hiểu định nghĩa Ad hominem là gì, nguyên nhân và cách tránh phạm phải lỗi công kích cá nhân nhé!
Trong một cuộc tranh luận, thường sẽ có hai bên phản đối và đồng ý. Người tham gia tranh luận sẽ chia làm hai phe đối lập và phải đưa ra lập luận, lý lẽ, bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình là đúng. Đồng thời, trong quá trình tranh cãi, họ cũng phải bác bỏ luận điểm của người kia.
Mục đích cuối cùng của một cuộc tranh luận là tìm ra giải pháp hợp lý nhất, hoặc đi đến một kết luận cụ thể. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người tranh luận phạm phải lỗi ngụy biện công kích cá nhân, đẩy cuộc tranh luận thành cuộc chiến không hồi kết.
Ad hominem (ngụy biện công kích cá nhân) xuất hiện phổ biến hơn chúng ta vẫn nghĩ
Vậy ad hominem là gì? Ad hominem là từ viết tắt của Argumentum ad hominem (ngụy biện công kích cá nhân).
Ngụy biện (fallacy) là lập luận sai về mặt logic. Nói dễ hiểu hơn, ngụy biện là vi phạm các quy tắc logic trong suy luận để giành phần lợi trong tranh luận, trong đối thoại, từ đó có thể biến sai thành đúng, biến đúng thành sai.
Cụ thể, ngụy biện công kích cá nhân có thể được hiểu là thay vì tập trung vào lập luận của phe đối thủ, người tranh luận lại sỉ nhục, hạ bệ, công kích cá nhân đối tượng tranh luận bằng ngôn từ để làm giảm uy tín của họ. Khi hạ bệ uy tín đối phương, người ngụy biện muốn công chúng tin rằng ý kiến của người bị hạ bệ cũng không chính xác.
Một ví dụ ngụy biện công kích cá nhân trong đời sống thường ngày là “Trẻ con biết gì mà nói?”, hay “Có làm được như người ta không mà chê?”.
Trên thực tế, không chỉ người bình thường mà những chuyên gia hùng biện cũng rất dễ mắc phải lỗi ngụy biện công kích cá nhân. Dưới đây là 5 loại Ad hominem (ngụy biện công kích các nhân) phổ biến (dựa theo Walton).
Đây là loại công kích cá nhân mang tính lăng mạ trực tiếp. Người công kích thay vì tập trung vào tính logic và chính xác của luận điểm thì lại công kích danh dự, phẩm chất, tích cách, ngoại hình của đối phương. Từ đó phủ nhận quan điểm và khẳng định của anh ta.
Ad hominem examples - ví dụ ngụy biện công kích cá nhân
Ví dụ: Trong cuộc bầu cử tổng thống giữa Donald Trump và Hillary Clinton. Trump đã nói với phe ủng hộ tại Pennsylvania rằng “She could actually be crazy” và “I don’t think she could be loyal to Bill Clinton” (Bà ta có thể bị “điên” và “Tôi không nghĩ bà ta chung thủy với Bill Clinton”).
⇒ Trump đã phạm phải lỗi công kích cá nhân (đề cập đến tình trạng tinh thần và hôn nhân của Hillary) mặc dù hai thông tin này cũng chưa được khẳng định là chính xác.
Trong công kích hoàn cảnh, thay vì khả năng lập luận thì quyền phê bình của đối thủ về một điểm nhất định nào đó, bị tấn công. Công kích hoàn cảnh xảy ra khi người công kích chỉ ra sự mâu thuẫn giữa lời nói và hành động của đối phương.
Ví dụ:
Hằng nói với cô giáo rằng bài kiểm tra tuần trước không nên tính vào tổng điểm cuối năm. Cô giáo cho rằng Hằng kiến nghị như vậy vì em ấy không làm tốt trong bài kiểm tra đó.
⇒ Có thể thấy, vì Hằng được lợi nếu cô giáo đồng ý với ý kiến của Hằng nên cô giáo đã dùng điều đó để phản bác lại Hằng.
Một trường hợp khác cũng thể hiện sự công kích cá nhân:
Mẹ: Con không nên hút thuốc lá vì nó có hại cho sức khỏe.
Con: Mẹ cũng hút thuốc mà nên mẹ không có quyền cấm con hút.
Như vậy, hành động và lời nói của người mẹ có sự mâu thuẫn và người con đã dùng sự mâu thuẫn đó để công kích lại người mẹ. Tuy nhiên, đó không thể dùng làm lý lẽ để phản bác lại quan điểm rằng “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”.
Đối với công kích thiên vị, người công kích sẽ giả định đối phương có mối liên hệ lợi ích trực tiếp/gián tiếp với một bên nào đó. Vì lập luận không dựa trên sự khách quan, công bằng nên nghiễm nhiên quan điểm của đối phương không đáng được cân nhắc.
Ví dụ:
A: Quyết định của hiệu trưởng là vì muốn tốt cho các bạn học sinh.
B: Bố cậu là hiệu trưởng nên đương nhiên cậu nói vậy.
Thả độc giếng nước hay còn gọi là ngụy biện bôi xấu xuất phát từ cụm từ tiếng Anh poisoning the well. Người công kích sẽ đưa ra thông tin bất lợi (thường là không liên quan đến vấn đề đang tranh luận) để hạ thấp uy tín người đó trước khi họ đưa ra luận điểm.
Ví dụ:
A: Hoạt động team building lần tới để Thắng làm đi
B: Thôi đừng, Thắng đen đủi lắm đừng để nó làm!
Đây là lỗi ngụy biện xuất hiện khi người mắc lỗi không bàn đến lập luận của đối thủ mà dùng lập luận đó để chỉ trích đối phương khiến họ “cứng họng”.
Ví dụ:
A: Vượt đèn đỏ là vi phạm luật giao thông.
B: Bộ cậu chưa vượt đèn đỏ bao giờ à mà bảo vượt đèn đỏ là vi phạm giao thông.
Ad hominem (ngụy biện công kích cá nhân) không chỉ khiến chất lượng cuộc tranh luận bị giảm sút, mà còn gây ức chế, khó chịu cho người bị công kích. Về lâu dài, sẽ dẫn đến sứt mẻ tình cảm đôi bên.
Nếu tin rằng đối phương đang công kích cá nhân bạn, đừng ngại áp dụng những cách xử lý dưới đây nhé.
Nhìn chung, mỗi cách giải quyết sẽ phù hợp trong hoàn cảnh khác nhau. Dù chọn cách nào thì quan trọng nhất là không để công kích cá nhân ảnh hưởng đến trạng thái và tâm lý của bạn. Cũng đừng công kích lại họ mà hãy giữ cho cuộc tranh luận khách quan nhất có thể.
Đã biết cách đối phó với ngụy biện công kích cá nhân rồi, vậy làm thế nào để tránh sử dụng Ad hominem trong tranh luận? Trước tiên, hãy cũng IELTS LangGo tìm hiểu những nguyên nhân khiến chúng ta công kích cá nhân người khác nhé!
Trên thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗi ngụy biện công kích cá nhân, trong đó, có thể kể đến 3 nguyên nhân chính bao gồm: Văn hóa bạo hành ngôn ngữ, hiểu sai mục đích tranh luận và không tin tưởng vào luật pháp. Cùng tìm hiểu chi tiết hơn nhé!
Nhiều gia đình Việt Nam tin vào câu tục ngữ “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và dạy dỗ con cái bằng cách chì chiết, chửi mắng con thậm tệ. Họ tin rằng khi làm như vậy, con cái sẽ sợ và không dám tái phạm nữa.
Văn hóa và môi trường giáo dục là những yếu tố ảnh hưởng đến phong cách tranh luận
Đáng buồn là, chính điều này tạo nên ảnh hưởng tâm lý với con cái và khiến chúng nghĩ rằng trẻ con bị “bạo lực ngôn ngữ” là điều đương nhiên. Hậu quả là người bị “bạo lực ngôn ngữ” sẽ lại sử dụng ngôn từ để công kích cá nhân người khác dù không cố ý.
Ở các nước phát triển, tranh luận là môn thể thao lành mạnh nhằm làm sáng tỏ vấn đề và tìm giải pháp hợp lý nhất. Vì vậy trong lúc tranh luận, họ không đặt nặng cái tôi và thường không “take it personal”, không cảm thấy bị xúc phạm nếu quan điểm của mình bị bác bỏ.
Ngược lại, người Á Đông thường coi trọng vai vế trong xã hội. Việc tranh luận với người có bối phận lớn hơn thường bị coi là thiếu tôn trọng. Bên cạnh đó, chúng ta thường đặt cảm tính trên lý tính: là người thân, bạn bè tất nhiên phải đứng về phía mình dù đúng hay sai. Nếu không đồng tình với mình nghĩa là họ không yêu quý và tôn trọng mình nữa.
Khi tâm lý háo thắng trỗi dậy, con người sẽ có xu hướng dùng mọi thủ đoạn để giành chiến thắng. Và đó là lý do tại sao đôi khi chúng ta tấn công cá nhân người khác.
Khi xảy ra tranh chấp, tâm lý chung là chúng ta ít khi nhờ đến pháp luật mà tự giải quyết với nhau. Pháp luật cũng không có hình thức phạt nào đối với tranh luận cá nhân trên mạng xã hội.
Vì vậy, khi cảm xúc lấn át lý trí, việc thóa mạ, công kích cá nhân nhau cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, một vài nguyên nhân khác gây ra công kích cá nhân có thể do nhiễm phong cách nói chuyện hàng ngày. Đôi khi chúng ta lấy điểm yếu của đối phương ra làm trò cười nhưng thành ra đùa quá trớn, khiến họ cảm thấy bị công kích cá nhân. Cũng có thể do chúng ta bị nhiễm cách lý luận của báo chí, đặc biệt là những trang báo lá cải hay “body shaming” và bới móc đời tư của người nổi tiếng.
Trên thực tế, trong tranh luận, không chỉ nạn nhân của Ad hominem mà những người có hành vi ngụy biện công kích cá nhân cũng sẽ chịu hậu quả nặng nề nếu không khắc phục sớm. Cụ thể:
Vậy làm thế nào để tránh phạm phải ad hominem trong các cuộc tranh luận?
Cách tránh phạm lỗi ad hominem (ngụy biện công kích cá nhân)
Một khi xác định rõ mục đích của cuộc tranh luận là tìm ra giải pháp của vấn đề, bạn sẽ tập trung hơn vào quan điểm và lập luận của đối phương thay vì người đưa ra quan điểm, lập luận đó. Một cuộc tranh luận lành mạnh sẽ giúp bạn nhìn vấn đề một cách toàn diện và chính xác hơn.
Ngược lại, nếu đặt mục đích “phải cãi thắng bằng được” lên đầu, thì dù lý lẽ của đối phương có logic đến đâu, bạn cũng sẽ tìm cách phản bác và “dìm” họ xuống bằng những lời lẽ công kích cá nhân tồi tệ.
Trong một cuộc tranh luận, điều tiên quyết là bạn phải giữ được cái đầu lạnh. Chỉ khi bình tĩnh, bạn mới có thể đánh giá lập luận một cách khách quan và không cảm thấy bị xúc phạm trước ý kiến trái chiều. Từ đó, bạn sẽ có thời gian tìm ra phương pháp ứng phó phù hợp và tránh được lỗi ngụy biện công kích cá nhân.
“Practice makes improvement”. Hãy không ngừng tham gia vào các cuộc tranh luận lớn, nhỏ hàng ngày, trên trường lớp và các cuộc thi hùng biện. Chỉ có luyện tập thường xuyên, lắng nghe ý kiến đóng góp từ người khác bạn mới có thể tiến bộ và tránh phạm phải những lỗi phổ biến trong tranh luận.
Cũng cần lưu ý là khi tranh luận, cần sử dụng lời lẽ lịch sự, tôn trọng người đối diện và tone giọng phù hợp, không quá chậm cũng không quá nhanh. Chỉ khi bạn tôn trọng đối phương thì mới nhận lại được sự tôn trọng tương xứng.
Vậy là IELTS LangGo đã cùng các bạn tìm hiểu về ad hominem (ngụy biện công kích cá nhân) và cách tránh sử dụng trong tranh luận. Các bạn đừng quên luyện tập mỗi ngày để trở thành một người tranh luận văn minh nhé!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN LỘ TRÌNH CÁ NHÂN HÓANhận ƯU ĐÃI lên tới 12.000.000đ