Trong những năm gần đây, Tư duy phản biện (Critical thinking) là một trong những kỹ năng được nhắc đến nhiều nhất bởi sự cần thiết và tính hiệu quả của nó trong quá trình học tập và phát triển bản thân của mỗi người.
Vậy tư duy phản biện (Critical thinking) là gì và làm thế nào để phát triển kỹ năng này cũng như áp dụng vào việc học Tiếng Anh? Mọi thắc mắc sẽ được IELTS LangGo giải đáp chi tiết trong bài viết này.
Tư duy phản biện (Critical thinking) là khả năng phân tích thông tin và đưa ra đánh giá hợp lý dựa trên những nghiên cứu và phân tích đa chiều.
Người có lối Tư duy phản biện thường không chấp nhận vấn đề ở bề nổi mà thường đào sâu tìm hiểu các lý lẽ và vấn đề liên quan. Họ nhìn thế giới dưới nhiều góc độ khác nhau, thích nghi với các thay đổi và xử lý tình huống dễ dàng hơn.
Thay vì tiếp nhận và dung nạp thông tin một cách thụ động, đây là một kỹ năng mà bất cứ ai cũng cần có, kể cả trong môi trường học tập hay làm việc.
Dưới đây là Top 8 kỹ năng Tư duy phản biện (Critical thinking skills) mà bạn cần rèn luyện.
Các kỹ năng Tư duy phản biện (Critical thinking skills)
Open-mindedness (Tính cởi mở): Những suy nghĩ không thiên kiến và thái độ rộng mở với nhiều luồng quan điểm là nền tảng để rèn luyện tư duy phản biện.
Analysis (Phân tích): Phân tích là kỹ năng cần thiết để xác định tính tin cậy của thông tin, từ đó đi đến những kết luận chính xác hơn.
Interpretation (Diễn giải): Tập trung diễn giải dựa trên những phân tích, sau đó tổng hợp và giải mã ý nghĩa của những thông tin liên quan.
Problem-solving (Giải quyết vấn đề): Sau khi phân tích và diễn giải vấn đề, bạn có thể nghĩ ra một hoặc nhiều giải pháp khả thi.
Decision-making (Đưa ra quyết định): Một quyết định quyết đoán sẽ được tạo ra dựa trên những thông tin mà bạn vừa diễn giải.
Effective communication (Giao tiếp hiệu quả): Giải thích các kết luận và quá trình tư duy đằng sau một cách thuyết phục nhất.
Self-improvement (Tự cải thiện): Phát triển thói quen tư duy bằng cách nhìn nhận lại quá trình rèn luyện Tư duy phản biện của bản thân và tìm cách phát triển hơn nữa.
Các bạn trẻ đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên thường được khuyên rằng: “Hãy cố gắng rèn luyện tư duy phản biện”. Vậy cụ thể tầm quan trọng của Tư duy phản biện là gì? Cùng IELTS LangGo làm rõ vai trò của Critical thinking skills nhé.
Tư duy phản biện là chìa khóa để thành công trong sự nghiệp
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, Critical thinking skills là một trong những kỹ năng cần có nhất trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nó giúp ta phân tích thông tin hiệu quả, lên kế hoạch một cách có hệ thống và có nhiều đổi mới sáng tạo khi giải quyết vấn đề
Tư duy phản biện giúp cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề
Những người có kỹ năng Tư duy phản biện (Critical thinking) thường khá kiên nhẫn và tập trung gỡ rối mọi vấn đề xảy ra, từ những thứ nhỏ nhặt đến những việc có mức độ ảnh hưởng lớn.
Tầm quan trọng của Tư duy phản biện khi giải quyết vấn đề
Tư duy phản biện giúp đưa ra các quyết định sáng suốt hơn
Đặc biệt, Tư duy phản biện (Critical thinking) giúp chúng ta đối mặt với các vấn đề hằng ngày một cách tự nhiên và bình tĩnh trong vô thức, từ đó đưa ra những quyết định phù hợp nhất.
Tư duy phản biện khiến con người trở nên vui vẻ hơn
Có thể bạn sẽ không để ý, nhưng việc hiểu sâu sắc những suy nghĩ của chính mình sẽ đem đến cho bạn niềm hạnh phúc to lớn.
Nhờ có Tư duy phản biện (Critical thinking), bạn sẽ hiểu bản thân mình hơn, từ đó tập trung vào điểm mạnh của mình và gạt bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực.
Tư duy phản biện giúp hình thành những lập luận có căn cứ
Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với số lượng thông tin khổng lồ từ các nguồn khác nhau, đó là lý do vì sao bạn cần rèn luyện Tư duy phản biện để sàng lọc các thông tin và quyết định xem mình nên đối mặt với chúng như thế nào, có nên tin hay không.
Tư duy phản biện nhằm cải thiện các mối quan hệ
Nhờ có kỹ năng Tư duy phản biện (Critical thinking skills), bạn có thể thấu hiểu sâu sắc hơn những quan điểm, góc nhìn của người khác. Từ đó không chỉ cải thiện các mối quan hệ xã hội mà còn trở nên cởi mở hơn với những ý kiến khác nhau.
Tư duy phản biện kích hoạt mạnh mẽ bộ óc sáng tạo và sự tò mò
Trong quá trình luyện tập Tư duy phản biện (Critical thinking), bạn sẽ không ngừng đặt câu hỏi và muốn biết nhiều hơn về mọi thứ xung quanh, đồng thời tìm kiếm những ý tưởng hay trong công việc cũng như cuộc sống.
Tư duy phản biện là một kỹ năng sống quan trọng
Kỹ năng Tư duy phản biện đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong học tập hay làm việc nói riêng mà còn trong cuộc sống nói chung. Chính vì thế, Critical thinking là một kỹ năng sống bạn cần trau dồi và phát triển.
Sau khi nắm được Tư duy phản biện là gì và những lợi ích của Tư duy phản biện, IELTS LangGo sẽ hướng dẫn bạn 6 bước rèn luyện Tư duy phản biện (Critical thinking) nhé!
Các bước rèn luyện Tư duy phản biện (Critical thinking) hiệu quả
Bước 1: Xác định chính xác vấn đề
Dù là một câu hỏi đơn giản cần đáp án hay một vấn đề nan giải cần giải quyết, bạn hãy luôn bắt đầu quá trình rèn luyện Tư duy phản biện của mình bằng cách xác định chính xác vấn đề.
Khi đối mặt với bất cứ vấn đề nào, bạn có thể tự đặt cho mình một số câu hỏi sau đây:
Bạn đã biết những gì về vấn đề này?
Làm thế nào bạn biết được nó?
Bạn đang cố gắng chứng minh, phủ định hay thể hiện điều gì?
Bước 2: Thu thập các nguồn thông tin đáng tin cậy
Hãy đào sâu nghiên cứu và tích lũy càng nhiều thông tin về vấn đề trên càng tốt bởi càng nhiều thông tin thì bạn càng tìm hiểu sau được vấn đề để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
Đồng thời, bạn hãy tìm kiếm các nguồn thông tin đa chiều, thậm chí cả những tài liệu trái ngược với ý kiến cá nhân vốn có của bạn về vấn đề đó để mở rộng cách góc nhìn.
Bước 3: Kiểm tra và xem xét kỹ lưỡng thông tin
Bước tiếp theo chính là kiểm tra và phân tích các thông tin để chắc chắn rằng nguồn thông tin bạn tìm được cần là đáng tin cậy. Sau đó, loại bỏ các quan điểm phiến diện mang tính thành kiến và lựa chọn những quan điểm có chứng cứ thuyết phục.
Bước 4: Thử đảo lộn mọi thứ và đặt câu hỏi
Với những vấn đề phức tạp, bạn có thể áp dụng phương pháp thử đảo ngược vấn đề và tự đặt câu hỏi. Tức là đặt ra câu hỏi: “Rõ ràng là điều A đã gây ra điều B, nhưng điều gì sẽ xảy đến khi điều B gây ra điều A?”
Điều ngược lại có thể sẽ vô lý, nhưng ít nhất bước này sẽ khiến hành trình tìm ra lời giải cho vấn đề của bạn trở nên nhanh chóng và thú vị hơn.
Bước 5: Tự đánh giá
Trong quá trình giải quyết vấn đề, bạn có thể tham khảo công trình nghiên cứu của những người đi trước. Nếu bạn không muốn đi đến kết luận sai lầm, điều quan trọng là cần đánh giá thông tin ấy bằng Critical thinking skills với một số câu hỏi như:
Ai đã thu thập thông tin này?
Họ tìm kiếm thông tin này bằng cách nào?
Tại sao?
Và đừng quên luôn tự hỏi bản thân “Liệu mình có đang nghiêng về bên nào không?” khi tìm kiếm thông tin nhé!
Bước 6: Đi đến kết luận
Ở bước này, bạn cần xác định các kết luận khác nhau, từ đó cân nhắc những điểm mạnh và hạn chế của mỗi lựa chọn đó.
Khi đã tìm ra được kết luận cuối cùng cho vấn đề ban đầu, hãy mạnh dạn chia sẻ nó tới nhiều nhóm đối tượng người nghe khác nhau.
Như IELTS LangGo đã chia sẻ trong phần trước, Tư duy phản biện (Critical thinking skills) không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công việc mà còn là một phần không thể thiếu trong quá trình học tập, đặc biệt là Tiếng Anh.
Dưới đây là 4 lợi ích mà kỹ năng tư duy phản biện mang đến cho học sinh:
4 lợi ích của Tư duy phản biện (Critical thinking) khi học Tiếng Anh
Tư duy phản biện (Critical thinking) giúp các bạn có thói quen phân tích tốt khi gặp một vấn đề nào đó. Nhờ vậy, khi áp dụng vào việc học Tiếng Anh, các bạn có thể đưa ra luận điểm sâu sắc hơn khi trả lời các câu hỏi trong kỹ năng Writing và Speaking.
Việc rèn luyện Tư duy phản biện cho phép bạn đào sâu nghiên cứu kiến thức một cách kỹ càng giúp bạn hiểu tường tận các vấn đề, sự việc.
Ứng dụng Tư duy phản biện trong tiếng Anh sẽ kích thích học sinh tìm kiếm giải pháp hướng tới sự hoàn hảo, khai phá trí tò mò và bộ óc sáng tạo.
Thay đổi cách suy nghĩ của mỗi học sinh lên một cấp độ cao hơn và thúc đẩy việc học tập hiệu quả hơn.
Để xây dựng nền tảng Tiếng Anh thì chúng ta cần chú trọng 3 mảng kiến thức quan trọng nhất bao gồm: Phát âm - Từ vựng - Ngữ pháp. Hãy cùng IELTS LangGo tìm hiểu cách ứng dụng Tư duy phản biện (Critical thinking) khi học Tiếng Anh nhé.
Về phát âm
Kỹ năng phát âm tốt sẽ mang đến cho bạn lợi thế tuyệt vời để phát triển vốn từ vựng, kỹ năng Speaking và Listening.
Vì vậy, thay vì chỉ lặp lại đơn thuần, hãy luôn đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn cách phát âm của một từ hoặc khi nghe thấy bất kỳ từ mới nào.
Ví dụ:
Từ present sẽ được phát âm /ˈpreznt/ trong trường hợp nào và được phát âm /prɪˈzent/ trong trường hợp nào? Tại sao từ này lại được phát âm như vậy? Có quy tắc nào không?.
Về ngữ pháp
Luôn tự đặt câu hỏi khi gặp bất kỳ cấu trúc ngữ pháp mới nào là cách học Ngữ pháp khá hiệu quả, giúp bạn hiểu rõ và nhớ lâu kiến thức ngữ pháp đó.
Ví dụ:
Khi gặp một câu chia động từ bạn có thể tự hỏi: Tại sao Try lại đi với To V trong câu này? Dùng V-ing được không? => Sau khi tìm hiểu bạn có thể biết thêm được rằng Try đi với cả to V và V-ing nhưng sẽ diễn tả ý nghĩa khác nhau.
Về từ vựng
Một tips học từ vựng IELTS LangGo muốn gợi ý cho bạn khi áp dụng Critical thinking skills là luôn đặt câu hỏi: Tại sao từ A lại có ý nghĩa như này?
Ví dụ:
Nếu tìm hiểu kỹ từ extensive (trải dài, bao quát), bạn sẽ thấy từ extensive được cấu tạo từ hai gốc từ: ex- và -tender.
Gốc ex- mang nghĩa là out (ra ngoài), còn -tender là một gốc từ Latin mang nghĩa là stretch (giãn rộng ra). Vì thế, khi ghép hai gốc từ này với nhau, ta được từ extensive với nghĩa là rộng rãi, bao quát.
Như vậy, IELTS LangGo đã giúp bạn giải đáp Tư duy phản biện (Critical thinking) là gì, đồng thời làm rõ vai trò cũng như cách ứng dụng Critical thinking skills vào việc học Tiếng Anh.
Critical thinking là kỹ năng đặc biệt quan trọng với bạn trong cuộc sống nói chung và trong quá trình học Tiếng Anh nói riêng. Vì vậy hãy bắt đầu rèn luyện Tư duy phản biện ngay từ hôm nay nhé!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN LỘ TRÌNH CÁ NHÂN HÓANhận ƯU ĐÃI lên tới 12.000.000đ